Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Ngày 01/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP). Nghị định 28/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP đã mạnh tay trong việc xử phạt vi phạm hành chính với những sai phạm trong lĩnh vực lao động. Nổi bật có thể kể đến xử phạt đối với một số hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như sau:

1. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động:

  • Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 3 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
  • Phạt tiền từ 3 – 7 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    • Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động;
    • Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác;
    • Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
  • Phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

vi-pham-hop-dong-lao-dong

2. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:

  • Phạt tiền từ 1 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
    • Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động;
    • Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật;
    • Không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
    • Không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Vi phạm quy định về tiền lương:

  • Phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
    • Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
    • Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;
    • Trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm.

Nghị định số 28/2020/NĐ-CP nêu rõ các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt tăng hơn so với trước đây đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý, tuyển dụng lao động; giao kết hợp đồng lao động; thử việc; sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng; thời giờ làm việc; thời giờ nghỉ ngơi;…

Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Người sử dụng lao động, doanh nghiệp cần cập nhật các chính sách mới có hiệu lực trong thời gian sắp tới có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp để tuân thủ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn