Bán đặc sản côn trùng: Coi chừng bị phạt!

Ngày 28/7, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre vừa xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế H., Chủ vườn ẩm thực M (TP Bến Tre) sau khi lực lượng kiểm tra liên ngành phát hiện nơi này có hành vi bán đuông dừa cho khách.

dat san con trung coi chung bi phat
Đuông dừa nước mắm – đặc sản của xứ dừa

Đuông dừa là sinh vật gây hại bằng cách đẻ trứng lên cây dừa, sau đó đuông con sẽ ăn hết phần cổ hủ dừa làm chết cây. Việc nhân nuôi và kinh doanh đuông dừa sẽ gây hại rất lớn đến diện tích vườn dừa của tỉnh Bến Tre nói riêng và các khu vực trồng dừa nói chung. Để hạn chế ảnh hưởng của đuông dừa, tỉnh Bến Tre đã có Chỉ thị số 01/2015/CT-UBND tỉnh nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa trên địa bàn tỉnh, và mới đây, Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng có điều chỉnh về vấn đề này.

Sinh vật gây hại là sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác (Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013)

Tuy nhiên, xoay quanh việc xử phạt chủ nhà hàng lại có hai luồng ý kiến trái chiều. Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc xử phạt Nhà hàng bán đuông dừa là không có cơ sở và không đúng với quy định tại Điều 19 khoản 5 của Nghị định 31/2016/NĐ-CP. Theo luồng ý kiến thứ hai, việc xử phạt này là phù hợp với tinh thần của Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

Điều 19 khoản 5 Nghị định 31/2016/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt các hành vi sau đây vì mục đích thương mại: a) Vận chuyển, sử dụng giống cây hoặc vật liệu làm giống bị nhiễm sinh vật gây hại từ vùng công bố dịch sang vùng khác; b) Nhập khẩu, vận chuyển, nhân nuôi, lưu giữ sinh vật gây hại thực vật mà không được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép bằng văn bản
  • Theo quan điểm thứ nhất: không có đủ cơ sở để xử phạt Nhà hàng bán đuông dừa.

Xét về hành vi “vận chuyển sinh vật gây hại”, đuông dừa có thể do những người nuôi bắt đem đến giao tận Nhà hàng, do vậy, xử phạt Chủ nhà hàng theo hành vi “vận chuyển sinh vật gây hại cho thực vật” là không có cơ sở. Mặt khác, việc giữ đuông dừa xảy ra trong thời gian rất ngắn nhằm mục đích bán cho thực khách, không phải vì mục đích lưu giữ để nuôi/nhân giống nên không thể áp dụng xử phạt hành chính theo hành vi “lưu giữ sinh vật gây hại” tại điểm b Khoản 4 và khoản 5 NĐ 31/2016/NĐ-CP.

  • Theo quan điểm thứ hai: phạt Nhà hàng bán đuông dừa là đúng!

Ngược lại với quan điểm thứ nhất, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng Nhà hàng bán đuông dừa là đã có hành vi lưu giữ đuông dừa – sinh vật gây hại cho thực vật – vì mục đích thương mại.

Bởi muốn bán món ăn từ sinh vật này, các nhà hàng tất yếu phải lưu giữ số lượng đuông dừa đáng kể, và cần thiết phải giữ cho đuông dừa sống để đảm bảo chất lượng món ăn. Như vậy, rất khó để ngăn chặn sự phát tán của đuông dừa. Những người theo quan điểm này còn lập luận rằng, việc “lưu giữ” không nhất thiết phải vì mục đích nuôi/nhân giống, cũng không xét đến thời gian lưu giữ dài hay ngắn. Chỉ cần có hành vi lưu trữ đuông dừa là đã có thể coi là hành vi “lưu giữ” theo Nghị định 31/2016 mà không cần điều kiện thời gian lưu giữ kéo dài bao lâu và biện pháp lưu giữ là như thế nào. Như vậy, quyết định xử phạt của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đối với chủ Nhà hàng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Tạm kết:

Nên hiểu tinh thần của Nghị định 31/2016/NĐ-CP theo quan điểm thứ hai, tuy nhiên cần phải có hướng dẫn cụ thể về hành vi “lưu giữ sinh vật gây hại” trong đó quy định cấm cả hành vi “mua bán”.  Nếu không cấm hành vi bán đuông dừa của các Nhà hàng thì hiện tượng lén lút nuôi, bán đuông dừa của các hộ nông dân sẽ vẫn tiếp tục kéo dài, bởi có cầu tất có cung. Vì thế, việc tiến hành xử phạt hành chính với hành vi bán các món ăn từ đuông dừa của các Nhà hàng là cần thiết để có thể góp phần hạn chế và xóa bỏ triệt để hành vi lén lút nhân, nuôi, vận chuyển đuông dừa của người nuôi, bán sinh vật này.

Ngoài đuông dừa, hành vi mua bán, lưu trữ, vận chuyển các sinh vật có hại cho thực vật khác cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 31/2016/NĐ-CP. Theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013 thì “Sinh vật gây hại là sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác”. Do vậy, các loài như châu chấu, cào cào, bọ xít, đuông cọ,..cũng thuộc nhóm sinh vật này. Vì thế, các chủ nhà hàng, quán ăn đang kinh doanh các loại “đặc sản” này cần hết sức lưu ý để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính.

(Nguyễn Trần Phương Trinh)

Tin liên quan